Điểm danh các mô hình chuyển đổi số thành công trên thế giới.

Rất nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới như Netflix, Adobe, … để đạt tới thành công đỉnh cao hiện tại đều cần phải áp dụng chuyển đổi số. Vậy họ đã thực hiện tiến hành chuyển đổi số như thế nào, bài viết dưới đây chính là câu trả lời.
Netflix – mô hình chuyển đổi số tiêu biểu trong ngành công nghệ và giải trí
Trong khoảng thời gian mới thành lập, Netflix là một cái tên xa lạ không được nhiều người biết tới. Cho đến khi vào năm 1997, Netflix tạo ra mô hình kinh doanh cho các khách hàng thuê đĩa trả tiền trực tiếp hoặc qua thư từ cùng với đó là bán DVD. Tới năm 2007, Netflix quyết định có một bước đi vô cùng táo bạo đó chính là ứng dụng internet vào mô hình kinh doanh của mình. Từ đó hãng phim này đã tận dụng tối đa công nghệ lưu trữ đám mây trong việc tạo ra một thế giới phim ảnh trực tuyến với hàng triệu bộ phim nổi tiếng của nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Chính sự thành công bởi mô hình chuyển đổi số này của Netflix đã khiến nhiều mô hình kinh doanh cũ không còn phù hợp và dẫn tới sự phá sản của nhiều công ty khác.
Quá trình chuyển đổi số của Netflix không dừng lại tại đó. Vào năm 2007, Netflix đã đưa ra thị trường một dịch vụ siêu mới lạ thời bấy giờ là phát các video trực tuyến theo yêu cầu mà không cần phải trả thêm phí khi thuê DVD. Điểm đặc biệt này đã giúp dịch vụ thuê DVD của hãng phát triển hơn, tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Hiện nay, Netflix còn cung cấp nội dung trên nhiều nền tảng và tạo ra một ứng dụng riêng biệt để người dùng có thể dễ dàng truy cập thông qua các thiết bị di động.
Adobe – chuyển đổi số thành công trong ngành công nghiệp phần mềm
Adobe là một cái tên đã quá quen thuộc với người dùng Việt với những phần mềm như: Adobe Photoshop, Adobe Illustrator, Adobe Premiere,… Nhắc tới Adobe chúng ta đều nhớ ngay tới một công ty chuyên cung cấp các phần mềm xử lý đồ họa hàng đầu thế giới. Từ khi thành lập, Adobe đã bán các phần mềm hỗ trợ người dùng chỉnh sửa hình ảnh, vector và các phần mềm hỗ trợ chỉnh sửa video.
Cho đến năm 2008, khi ấy kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong đó có Adobe. Chính vì thế để vượt qua thách thức này, Adobe đã quyết định ứng dụng công nghệ lưu trữ đám mây vào quá trình hoạt động của công ty. Và chính nhờ quyết định dứt khoát, táo bạo này là Adobe đã khẳng định mình với ba mô hình: creative cloud, document cloud và marketing cloud.
Kể từ khi quyết định chuyển đổi số, giá cổ phiếu của Adobe nhiều khi đỉnh điểm tăng gấp 3 lần và doanh thu đều tăng vọt từ con số đơn lên hai hoặc ba con số. Vào năm 2020, Adobe đạt được mức doanh thu kỷ lục chạm mốc 12,87 tỷ đô la Mỹ, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hasbro – chuyển đổi số trong ngành công nghiệp đồ chơi
Hasbro chính là một trong những nhà sáng tạo đồ chơi nổi tiếng trên thế giới với những sản phẩm tạo được tiếng vang như Monopoly và Play-Doh. Sau một thời gian khảo sát thị trường, công ty đã nhận ra một sự thật rằng nhóm khách hàng mục tiêu là công ty hướng đến là bố mẹ của những đứa trẻ chứ không hoàn toàn là lũ trẻ. Vì thế công ty này đã quyết định ứng dụng một nền tảng số vào quy trình kinh doanh của mình đó chính là nền tảng Adtech. Nền tảng này sẽ giúp người dùng có thể mua sắm trực tuyến ngay trên đó và nó có tác động tích cực giúp cho doanh số bán hàng tăng lên đáng kể.
Bằng cách tác động tới đối tượng chính là bậc phụ huynh, hướng họ tới suy nghĩ đồ chơi của Hasbro là loại đồ chơi phù hợp và phát huy tối đa những lợi ích từ nền tảng bán hàng trực tuyến và doanh thu của công ty đã đạt tới 5 tỷ đô la – một con số kỷ lục vào năm 2016.
Fujifilm – chuyển đổi số trong ngành công nghiệp hình ảnh
Fujifilm là một công ty có lĩnh vực hoạt động chính là chụp ảnh và sản xuất phim, trụ sở chính của công ty đặt ở Tokyo, Nhật Bản. Vào những năm 2010, việc máy ảnh kỹ thuật số trở nên phổ biến đã ảnh hưởng vô cùng lớn tới lĩnh vực kinh doanh phim ảnh của Fuji. Trước những thách thức vô cùng lớn đang gặp phải, Fuji đã quyết định cần thay đổi mô hình kinh doanh của mình.
Mô hình chuyển đổi số được Fuji lựa chọn, cụ thể Fujifilm chuyển đổi và đầu tư vào công nghệ số, cắt giảm chi tiêu nói chung, bán bớt những tài sản máy móc xưa cũ không còn hiệu quả. Cùng với đó là tăng cường đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số, cụ thể là màn hình hiển thị LCD, thẻ nhớ số, lưu trữ số. Fuji quyết định sau khi tiến hành chuyển đổi số sẽ mở rộng thị trường kinh doanh của mình, hướng tới kinh doanh công nghệ và cả trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Cho tới nay, Fuji đã thành công với việc ra mắt thị trường nhiều thiết bị về hình ảnh y tế, những thiết bị hỗ trợ chẩn đoán tia cùng với đó là hàng loạt các sản phẩm y tế khác. Bằng việc tận dụng triệt để công nghệ phim ảnh Fuji đã phát triển các tấm nền LCD và từ đó đưa sáng kiến này trở thành một công cụ sinh lời.