Crowdfunding – Mô hình kinh doanh hỗ trợ Start-up Việt trong thời kỳ số hóa.

crowdfunding-mo-hinh-ho-tro-start-up-viet

Crowdfunding – Huy động cộng đồng là mô hình kinh doanh được nhiều công ty khởi nghiệp lựa chọn để phát triển. Vậy bạn có biết crowdfunding là gì và mô hình này giúp các nhà khởi nghiệp như thế nào không ? Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.

Crowdfunding là gì?

Crowdfunding hay còn gọi là huy động vốn cộng đồng, là cơ chế tập hợp và phân phối các khoản đầu tư tài chính tương đối nhỏ từ một lượng lớn những người ủng hộ để đổi lấy vốn chủ sở hữu hoặc nợ mang lại lợi nhuận tài chính hoặc các phần thưởng phi tài chính khác.  Trong đó những người ủng hộ là những người hoặc tổ chức kết nối, thường là thông qua internet, để cùng nhau hỗ trợ những người hoặc tổ chức khác. ( Theo European Crowdfunding Network).

Huy động vốn cộng đồng hoạt động dựa trên mối quan hệ chặt chẽ giữa các nhà đầu tư, trung gian và người gọi vốn.

  • Các nhà đầu tư là những tổ chức hoặc những cá nhân đóng góp một khoản tiền cho những ý tưởng mà họ thấy có triển vọng. Hơn nữa, huy động vốn cộng đồng cung cấp cho những người bình thường quyền quyết định về ý tưởng nào đáng được triển khai hay không. Ngoài ra, các nhà đầu tư thường nhận được thứ gì đó đổi lại – nó có thể là một chiếc áo phông, vé xem một buổi hòa nhạc, thậm chí là sản phẩm mà họ đã đóng góp tiền,…
  • Người gọi vốn, người hình thành ý tưởng về dự án hoặc các dự án kinh doanh để được cấp vốn. Gây quỹ cộng đồng không chỉ cung cấp vốn cho các doanh nghiệp, mà nó còn là một phép thử cho ý tưởng. Nếu đám đông – một nhóm lớn các cá nhân sẵn sàng đầu tư, điều này có nghĩa là ý tưởng có giá trị và có thể bán được trên thị trường. Và nhóm người này có thể là khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp.
  • Các bên trung gian thường là các nền tảng gây quỹ cộng đồng – các trang web gây quỹ cộng đồng chuyên biệt. Mục đích chính của các trang web như vậy là kết nối mọi người (đám đông) với các chủ dự án. Các nền tảng huy động vốn cộng đồng có thể được chia thành hai loại, tùy theo cách chúng “ứng xử” với số tiền thu được. Loại nền tảng huy động vốn cộng đồng đầu tiên giữ tiền trong tài khoản ký quỹ – nếu không đạt được số tiền cần thiết, các khoản đóng góp sẽ được trả lại cho các nhà đầu tư. Loại nền tảng huy động vốn cộng đồng khác cho phép các doanh nhân giữ tất cả số tiền đã huy động được.

Các loại huy động vốn cộng đồng

Crowdfunding được phân loại dựa trên lợi nhuận tài chính mang lại cho công ty và được chia thành 2 loại. Loại thứ nhất là crowdfunding mang lại lợi nhuận tài chính và loại thứ hai là mang lại lợi nhuận phi tài chính.

Huy động vốn cộng đồng mang lại lợi nhuận tài chính:

  • Góp cổ phần : Những nhà đầu tư vào các dự án này sẽ nhận lại cổ phần và lợi nhuận của công ty bằng với tỷ lệ vốn mà họ đã đóng góp. Những dự án cần được góp vốn cổ phần là những công ty nhỏ trong giai đoạn khởi nghiệp, khả năng tiếp xúc với các nguồn vốn còn nhiều hạn chế. Sau khi huy động đủ số vốn để thành lập công ty, mỗi nhà đầu tư sẽ sở hữu một số cổ phiếu của công ty tương ứng với tỷ lệ vốn góp và nhận lợi nhuận cuối kỳ nếu dự án thành công và sinh lời.
  • Huy động vốn dựa trên nợ: Không giống như huy động vốn từ cộng đồng cổ phần, các nhà đầu tư không có cổ phần sở hữu trong doanh nghiệp; thay vào đó, họ nhận lại khoản trả nợ cộng với lãi suất trong một thời hạn cố định.Trước khi quyết định cho vay, những người góp vốn sẽ phải đánh giá được khả năng thành công của dự án và những rủi ro tín dụng của người đi vay. Từ đó, họ sẽ đặt ra các mức lãi suất cho vay hợp lý. Do đó đây là một hình thức huy động vốn có hiệu quả và có tính linh hoạt, nên được ưa chuộng nhất trong bốn loại hình góp vốn. 

Huy động vốn cộng đồng mang lại lợi nhuận phi tài chính

  • Ủng hộ dự án từ thiện: Những người góp vốn không nhận lại bất cứ một lợi ích hữu hình nào sau dự án, họ thường được gọi là các mạnh thường quân hay các nhà hảo tâm. Khi tham gia vào các chiến dịch từ thiện, đa số các mạnh thường quân sẽ không đòi hỏi lợi ích và quyền lợi cho mình. 
  • Nhận quà tri ân: Hình thức nhận quà tri ân là một hình thức huy động vốn mà các cá nhân ủng hộ vào dự án với mong muốn nhận được các phần quà mang tính phi lợi nhuận. Những phần quà này tùy thuộc vào số tiền mà các cá nhân đóng góp vào dự án, và được hứa hẹn trước bởi chủ dự án, thường là quyền ưu tiên được sử dụng sản phẩm và dịch vụ, đi kèm với các tặng phẩm như áo thun, album nhạc, vé tham dự các sự kiện văn hóa, hoặc được vinh danh là một trong các nhà đồng sáng lập dự án. 

Lợi ích của crowdfunding

Lợi ích đối với chủ dự án/ người gọi vốn: 

  • Hỗ trợ vốn để có thể thực hiện thực hóa dự án của mình.
  • Nhận được những phản hồi, ý kiến nhận xét về dự án từ cộng đồng
  • Kiểm định mức độ khả thi và sự quan tâm của cộng đồng mà không tốn chi phí, từ đó điều chỉnh kịp thời và phù hợp.
  • Hiệu quả marketing có thể đạt được thông qua các kênh, đặc biệt đối với các sản phẩm hoặc công ty mới.

Lợi ích đối với người ủng hộ/ nhà đầu tư: 

  • Nhận được lợi ích tiềm năng tùy theo mô hình hoạt động, chẳng hạn như thư cảm ơn, tặng vật phẩm nhỏ hay sở hữu sản phẩm với mức giá ưu đãi hoặc miễn phí.
  • Có thể tiếp cận thông tin của nhiều dự án gọi vốn khác nhau, từ đó có thông tin về thị trường, về xu hướng khởi nghiệp.
  • Thông qua kênh huy động, nhà đầu tư có thể theo dõi được tình hình huy động vốn của dự án, đảm bảo được phần vốn đầu tư được thực hiện đúng mục đích. 

Hiện nay, luật pháp Việt Nam vẫn chưa đưa ra các quy định pháp lý bảo vệ cho mô hình kinh doanh này. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều dự án đã thành công, nhiều nền tảng uy tín tạo cơ sở cho mô hình này phát triển hơn tại Việt Nam. Crowdfunding được đánh giá là phù hợp với những công ty khởi nghiệp hoặc các dự án kinh doanh mới.